Nghệ nhân gốm Nguyễn Hùng, sinh năm 1971 tại Hải Phòng, là một tên tuổi lớn trong làng gốm sứ Việt Nam. Với hơn 40 năm miệt mài cống hiến cho nghệ thuật gốm sứ, ông để lại dấu ấn trong nghề gốm với các tác phẩm độc đáo và góp phần đưa gốm Việt vươn xa trên trường quốc tế.
Hành trình từ đam mê đến sự nghiệp gốm sứ của nghệ nhân Nguyễn Hùng
Bắt đầu từ một cậu thanh niên trẻ tuổi được giao nhiệm vụ khảo sát nghề gốm trên khắp cả nước vào những năm 1980. Cho đến năm 1986, ông Nguyễn Hùng quyết định ở lại làng gốm Bát Tràng, nơi gắn bó và xây dựng nghiệp gốm của riêng mình.
Nghệ nhân Nguyễn Hùng lựa chọn làng gốm Bát Tràng là nơi học tập và gây dựng sự nghiệpTại đây, ông đã đi học nghề gốm từ việc làm thuê tại các xưởng gốm. Về sau, khi đã thành tạo các kỹ thuật chế tác khó, tay nghề cứng hơn, ông đến làm thợ gốm tại các lò gốm lớn hơn để học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, ông cũng tự mày mò, sáng tạo thêm nhiều phương pháp chế tác mới.
Nghệ nhân Nguyễn Hùng miệt mài học tập và nâng cao trình độ tay nghề
Theo Wikipedia, ông Nguyễn Hùng đã mở xưởng gốm riêng kết hợp việc kế thừa kỹ thuật chế tác của thế hệ đi trước và học tập, sáng tạo, cải tiến kỹ năng làm gốm. Đối với nghệ nhân, nghề gốm không đơn thuần là nghề mà còn là 1 sứ mệnh gắn liền với văn hóa và tinh thần dân tộc.
Thành tựu về dòng men “Hoàng Thổ Liên Hoa”
Một trong những dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp của ông là dòng men “Hoàng Thổ Liên Hoa”. Xuất phát từ tình yêu dành cho hoa sen (quốc hoa của Việt Nam), ông đã mất 15 năm nghiên cứu và sáng tạo ra dòng men độc đáo, kết hợp thân sen khô (thay thế tro trấu), đất trầm tích sông Hồng và các khoáng thạch tự nhiên.
Bài men này cho ra dải màu sắc phong phú từ nâu đến nâu đỏ, vượt xa men tro truyền thống. Không chỉ vậy, sản phẩm sử dụng men “Hoàng Thổ Liên Hoa” có thể chịu được nhiệt độ nung cao lên tới 1300℃, mang đến âm thanh kim loại khi gõ, biểu trưng cho sự trường tồn và tinh xảo.
Nghệ nhân Nguyễn Hùng xác lập 2 kỷ lục Guinness thế giới: Niềm tự hào gốm Việt
Ngày 30/6/2022 đánh dấu một cột mốc lớn trong sự nghiệp của ông Nguyễn Hùng khi ông được Tổ chức Guinness thế giới công nhận 2 tác phẩm kỷ lục:
Nghệ nhân Nguyễn Hùng nhận danh hiệu kỷ lục thế giới Guinness trao tặng
1.”Thiềm Thừ Thiên Phong Ấn”: Tác phẩm điêu khắc linh vật cóc ba chân lớn nhất thế giới, nặng 1.500kg, dài 1,735m, rộng 1,1m, cao 0,778m. Đây là biểu tượng cho sự thịnh vượng trong văn hóa Á Đông. Ông đã mất 6,5 tháng để hoàn thiện tác phẩm này.
2. “Phú Quý Mãn Đường”: Chiếc đĩa gốm chạm khắc lớn nhất thế giới, nặng 400kg, đường kính 1,37m. Tác phẩm với họa tiết cây tuyết tùng, đôi chim công và các biểu tượng phong thủy. Tác phẩm này được hoàn thành trong 1,5 năm, mang ý nghĩa về sự giàu có và hạnh phúc viên mãn.
Đại diện Tổ chức Guinness thế giới, bà Mai McMillan, đã khen ngợi sự sáng tạo và nỗ lực của nghệ nhân Nguyễn Hùng. Bà nhấn mạnh: “Cả hai tác phẩm đều phải đảm bảo các tiêu chí nghiêm ngặt, từ tính mỹ thuật đến kích thước và được xác nhận bởi các chuyên gia độc lập. Nghệ nhân Nguyễn Hùng đã vượt qua mọi thách thức để đạt được hai danh hiệu danh giá này.”
Cận cảnh 2 tác phẩm kỷ lục thế giới
Sứ mệnh gìn giữ và phát triển nghề gốm
Nghệ nhân Nguyễn Hùng là người sáng tạo không ngơi nghỉ, ông cũng là thế hệ nghệ nhân làng gốm Bát Tràng tâm huyết, giữ lửa cho nghề gốm. Ông luôn trăn trở về việc làm thế nào để định vị gốm Việt trên trường quốc tế, đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ kiên trì, nỗ lực theo đuổi đam mê và gìn giữ nghề truyền thống.
Tiến sĩ Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Mỹ thuật Ứng dụng Hội Mỹ thuật Việt Nam, từng nhận xét: “Anh Nguyễn Hùng là một người thổi hồn vào gốm Việt. Những sáng tạo của anh không chỉ giàu giá trị nghệ thuật mà còn khẳng định sự miệt mài, tâm huyết và tình yêu mãnh liệt với nghề gốm.”
Thành công của nghệ nhân Nguyễn Hùng góp phần nâng tầm thương hiệu gốm sứ Bát Tràng
Từ dòng men “Hoàng Thổ Liên Hoa” đến những tác phẩm đạt kỷ lục Guinness, nghệ nhân Nguyễn Hùng đã và đang góp phần nâng tầm gốm sứ Bát Tràng, đưa nghệ thuật gốm Việt vươn xa hơn trên trường quốc tế. Ông chính là minh chứng sống động cho sức sáng tạo không ngừng nghỉ, tình yêu sâu đậm với nghệ thuật truyền thống và khát vọng đưa gốm Việt trở thành niềm tự hào dân tộc.