Các tác phẩm gốm Bát Tràng vinh dự được trưng bày trong chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Cùng nhau giữ nước” vào tháng 11/2024 tại Hoàng Thành Thăng Long. Sự kiện này nhằm chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân và 70 năm Ngày Tiếp quản Thủ đô.
Trong khuôn khổ chương trình, triển lãm “Không gian gốm và Trà” mở cửa đón khách từ ngày 15/11, trưng bày 9 tác phẩm gốm đặc sắc. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc, từ thời kỳ dựng nước đến những chiến công hiển hách trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Không Gian Gốm, ông Vũ Đình Mạnh, chia sẻ: “Trong chương trình Cùng nhau giữ nước, chúng tôi đã chuẩn bị 9 tác phẩm, là 9 câu chuyện lịch sử từ thời kỳ dựng nước, giữ nước đến những chiến công vĩ đại của dân tộc. Chúng tôi mong muốn kể lại các giá trị lịch sử bằng nghệ thuật gốm, qua đó mang đến sự tươi mới cho chương trình và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.”
Dưới đây là ý nghĩa của các tác phẩm gốm Bát Tràng trong chương trình “Cùng nhau giữ nước”:
TÁC PHẨM: CON RỒNG CHÁU TIÊN
Tích xưa Cha Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng đã kết duyên cùng với mẹ Âu Cơ thuộc dòng dõi Tiên với huyền tích sinh ra một bọc trăm trứng nở trăm con là cội nguồn khởi thủy của dân tộc Việt Nam đang được con cháu gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay.
Trải bao thăng trầm của thời gian, con cháu Lạc Hồng vẫn đời đời ghi nhớ hai tiếng thiêng liêng “ĐỒNG BÀO” với niềm tự hào về nguồn gốc anh linh thần võ của dân tộc.
Tác phẩm CON RỒNG CHÁU TIÊN tái hiện lại biểu tượng nguồn gốc Rồng Tiên trên câu đối cổ Đền Hùng được tìm lại được trong quá trình trùng tu:
“VÂN ÁM ĐỘNG ĐÌNH LONG ĐẨU GIÁNG
NGUYỆT TÀ LĨNH BIỂU HẠC QUY LAI”
Đôi câu đối hiện hoá hình tượng Rồng thiêng hạ giáng trong cảnh uy linh mây mờ hư ảo, trăng tà chếch bóng, soi hồ nước mênh mang, núi non trùng điệp.
Qua biết bao ngày đêm khắc khoải, Nghệ nhân gốm Bát Tràng gửi gắm tâm huyết, tình cảm cùng với sức lao động sáng tạo, tận tâm đã khắc họa hình tượng hai biểu tích nói trên với niềm tự hào sâu sắc về truyền thống cha ông. Đưa câu chuyện sử vào gốm, truyền tải tinh thần dân tộc hào hùng vào tác phẩm mang giá trị vô cùng độc đáo.
Tác phẩm gốm vuốt tay với thủ pháp điêu khắc và ám họa thủ công bằng đôi bàn tay điêu luyện của nghệ nhân tài hoa kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề, hoàn thiện trong gần 200 giờ miệt mài chế tác, 72 giờ luyện trong lửa đỏ, phủ lớp men cổ quý hiếm cổ truyền Bát Tràng, với đầy đủ cơ duyên ra lò nguyên vẹn.
TÁC PHẨM: HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC
Các Vua Hùng đã có công dựng lên nhà nước Văn Lang, hưng thịnh kéo dài suốt hàng thiên niên kỷ, tạo nền tảng cho con cháu Lạc Hồng bao đời tiếp bước, gìn giữ non song xây dựng cơ đồ.
Tác phẩm Hùng Vương dựng nước được nghệ nhân gốm vẽ thủ công trên đĩa gốm bằng màu men chàm cổ với bàn tay điêu luyện cùng tâm huyết với nghề đã tái hiện hóa hình tượng vua Hùng uy nghiêm mà hiền hậu với ánh mắt đầy nhân từ đầy bao dung nhìn con cháu muôn đời che chở yêu thương. Tay quốc tổ cầm bó lúa chín biểu tượng cho nền văn minh lúa nước cũng là báo hiệu cho con cháu Việt mãi ấm no hạnh phúc.
Trên nền đĩa họa hoa văn mặt Trống đồng biểu tượng đặc trưng cho văn hóa thời đại Hùng Vương với hoạ tiết cảnh sinh hoạt đời sống văn hóa vô cùng phong phú và mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc, đất gốm quê hương vẽ hình Quốc tổ phủ lớp men rạn hoàng thổ cổ truyền giúp cho tác phẩm mang nét cổ kính, phảng phất màu thời gian chất chứa hồn dân tộc.
TÁC PHẨM: ANH HÙNG LĨNH NAM – HAI BÀ TRƯNG KHỞI NGHĨA
Truyền thống tộc Việt, truyền thống yêu nước anh hùng bất khuất đã được khẳng định qua biết bao thế hệ lịch sử từ thuở dựng nước đến nay đã biết bao hào kiệt với những chiến công lẫy lừng làm rạng danh đất nước là niềm tự hào cho những người con dòng máu Lạc Hồng.
Thời kỳ bắc thuộc dân ta trải qua biết bao lầm than cơ cực, trước cảnh nợ nước thù nhà hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng với hào kiệt – anh hùng Lĩnh Nam đã đứng lên Phất cờ khởi nghĩa đuổi Tô Định chiếm lại các thành trì khôi phục nhà nước Lĩnh Nam.
Cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng là biểu tượng cho tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự cường của dân tộc, là đại diện cho cho tinh thần bất khuất của người Việt, chủ nghĩa bình đẳng và khí chất quật cường của người phụ nữ Việt Nam.
Tác phẩm Anh Hùng Lĩnh Nam – Hai Bà Trưng khởi nghĩa tái hiện bằng thủ pháp điêu khắc thủ công khắc họa hình ảnh hai nữ anh hùng cưỡi voi ra trận đánh đuổi quân Hán với khí thế ngút trời, anh linh thần võ dân tộc được quật khởi sau bao đời bị đè nén dưới bùn đen nay vùng lên làm khiếp hồn quân giặc.
Hồn gốm Việt kể chuyện lịch sử anh hùng qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã làm sống lại chiến tích năm nào, tiếng trống trận năm xưa, tiếng voi gầm ngựa hí, tiếng sóng hồ động đình như còn vang mãi.
TÁC PHẨM: CHIẾU DỜI ĐÔ – KIẾN TRÚC THÀNH THĂNG LONG
Kể từ khi Ngô Vương đại phá quân Nam Hán, Đinh Tiên Hoàng xưng Đế đánh dấu buổi đầu nước ta giành nền độc lập tự chủ sau ngàn năm bắc thuộc, tiếp nối vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống, cho đến thời thầy Tăng mở nước nhà Lý đã bước sang thời kỳ thái bình thịnh trị.
Đánh dấu cho bước chuyển mình ấy là Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ về Thăng Long nơi mà : “Ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế Rồng cuộn Hổ ngồi, đã đúng ngôi nam, bắc, đông, tây lại tiện hướng nhìn sông dựa núi… Xem khắp đất Việt ta chỉ nơi này là thắng địa, thật là hướng hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời…”
Tác Phẩm Thiên đô chiếu hiện hoá hình tượng vua Lý Thái Tổ tay cầm chiếu Thư uy nghi đứng trước điện Thiên An, trên bầu trời Rồng thiêng ẩn hiện trong đám tường vân, cùng với cảnh các đoàn thuyền nô nức theo vua ra kiến tạo kinh thành Thăng Long, mở ra một thời đại mới của đất nước thái bình thịnh trị, cùng phong cảnh hữu tình của kỳ quan thiên tạo Tam Cốc, Bích Động…, với cảnh trời mấy non nước đẹp tươi, phồn hoa đô hội.
Bằng phương pháp vuốt tay thủ công truyền thống kết hợp với thủ pháp khắc nổi và ám họa độc đáo của người nghệ nhân tài hoa, ngày đêm miệt mài chế tác, phủ lớp men cổ Hoàng Thổ cổ truyền.
Tác phẩm chuyên chở câu chuyện lịch sử hào hùng của cha ông đã kiến tạo, giữ gìn và phát triển đất nước trở nên hùng cường, xã tắc thái bình thịnh trị, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
TÁC PHẨM: CHIẾN TRẬN BẠCH ĐẰNG – ĐẠI THẮNG QUÂN NGUYÊN
Vó ngựa quân Mông Nguyên đi đến đâu cỏ không mọc được đến đó, biết bao dân tộc khắp Á, Âu, đã bị giày xéo dưới chân ngựa giặc mông, nghe tiếng quân Nguyên mà bao kẻ kinh hồn táng đởm.
Ấy vậy mà với tinh thần bất khuất của quân dân Đại Việt, Hào khí Đông A vua tôi nhà Trần đã ba lần đại thắng quân Mông Nguyên khiến người Mông vĩnh viễn từ bỏ ý định nhòm ngó xuống Nam.
Tác Phẩm Chiến Trận Bạch Đằng – Đại Thắng Quân Nguyên khắc hoạ trận chiến Bạch Đằng chiến thắng vẻ vang của quân dân Đại Việt mà Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương, cùng với Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông chỉ huy đánh tan quân xâm lược Mông Nguyên.
Trên bình là hình ảnh Hưng Đạo Đại Vương đứng trên soái hạm đích thân đốc chiến, hào khí Đông A ngút trời, Đằng giang dậy sóng, Thuyền bè muôn đội, tinh kỳ phấp phới, hùng hổ ba quân, giáo gươm sáng chói, quân giặc nát tan, bãi cọc năm xưa mồ chôn sĩ Thát, tướng sĩ Triều Trần – Bạch đằng giang ghi công muôn thuở.
Trên bình gốm vuốt tay, trận chiến oai hùng được tái hiện bằng thủ pháp điêu khắc và ám hoạ thủ công khắc sâu câu chuyện sử, chiến công vang dội nay được dựng lên từ hòn đất quê hương, bằng bàn tay điêu luyện của người nghệ nhân gốm Bát Tràng, qua trăm giờ chế tác, luyện qua trên ngàn độ lửa, phủ lớp men hoàng thổ cổ truyền đã làm sống lại trong lòng người xem khoảnh khắc hào hùng của cha ông năm ấy.
TÁC PHẨM: BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO – HOÀN TRẢ GƯƠM THẦN
“Đem đại nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo”
Khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng kết thúc 20 năm bị giặc Minh giày xéo, dù trải qua bao cảnh “nếm mật nằm gai…, quên ăn vì giận”, có những lúc như ngọn đèn trước gió, có những khi hiểm nguy trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc, Nghĩa sỹ Lam Sơn vẫn giữ trọn tấm lòng: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn – Lấy chí nhân để thay cường bạo” truyền thống anh hùng bất khuất, nhưng khát vọng hoà bình còn cao hơn nữa.
Tiêu biểu cho hình tượng khát vọng hoà bình ấy là hình ảnh vua Lê Thái Tổ trả gươm thiêng cho rùa thần trên hồ Lục Thuỷ. Chiến trận kết thúc hoàn trả gươm thiêng – người Việt đâu muốn chiến tranh mà chỉ khát khao hòa bình: “Đạp quân thù xuống đất đen – Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.
Hình tượng khát vọng hòa bình được tái hiện trên bình gốm với từng nét vẽ thủ công, phủ lớp men tro cổ trong trên xương đất trắng. Cùng tinh thần dân tộc bằng đôi bàn tay yêu nghề khéo léo người nghệ nhân gốm đã gửi vào tác phẩm hơi thở thời gian của lịch sử huy hoàng những chiến công vang dội, dù trải qua gian khổ muôn trùng người Việt vẫn giữ được tấm lòng bao dung sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù để giữ gìn hai chữ Hoà Bình thiêng liêng ấy.
TÁC PHẨM: CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN – LỪNG LẪY NĂM CHÂU
Lừng lẫy năm châu – Chấn động địa cầu, thời khắc huy hoàng ấy là mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Để có chiến công lừng lẫy ấy quân và dân ta đã trải qua 56 ngày đêm, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn, ấy vậy mà quân dân ta vẫn toát lên một tinh thần mà không dân tộc nào có được.
“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ, Đèo Lũng Lô anh hò chị hát, dù bom đạn xương tan thịt nát, không sờn lòng không tiếc tuổi xanh”.
Hình ảnh Lá cờ đỏ tung bay trên hầm Đờ Cát, tiếng hò kéo pháo, tiếng hét xung phong của người chiến sỹ can trường còn vọng mãi mai sau, tất cả đã được tái hiện sống động trên tác phẩm gốm Chiến Thắng Điện Biên với thủ pháp vẽ thủ công trên bối cảnh panorama bằng nét vẽ men lam truyền thống. Trên chất liệu gốm quên hương với niềm tự hào sâu sắc, nghệ nhân gốm đã gửi gắm thật nhiều tâm huyết vẽ nên trang sử hào hùng của dân tộc.
TÁC PHẨM: CÙNG NHAU GIỮ NƯỚC
Ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống pháp, từ thủ đô kháng chiến, bác Hồ đã về thăm đền Hùng, tại nơi linh thiêng này bác đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Non sông mãi tới nay còn vang lời bác dặn, đây không chỉ là lời nhắc nhở đơn thuần mà là ngọn lửa thiêng liêng, người đã gửi gắm lòng biết ơn sâu sắc đến tổ tiên đến cội nguồn đã đặt nền móng cho đất nước, người đã khơi lại mạnh mẽ tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường của toàn dân tộc.
Kể lại câu chuyện năm xưa trên chất liệu gốm, nghệ nhân gốm Bát Tràng đã dành tâm huyết của mình tỉ mỉ trên từng nét vẽ để tái hiện sinh động hình ảnh Bác cùng các chiến sỹ bộ đội quây quần bên thềm đền Giếng – khu di tích đền Hùng nơi thờ quốc tổ.
Trên Bình gốm vuốt tay bức tranh màu thủy mặc mộc mạc sâu lắng, phủ lớp men tro cổ mang dấu tích thời gian, lưu lại trang sử mang tấm lòng của người làm gốm đến mỗi người con dòng máu Lạc Hồng.
TÁC PHẨM: MÙA XUÂN ĐẠI THẮNG
Khoảnh khắc thiêng liêng đó, cảm xúc vỡ oà trong lòng mỗi người con đất Việt, xe tăng đã tiến vào, lá cờ giải phóng đã tự do tung bay trên nóc dinh độc lập, Đất nước từ đây thống nhất.
Hoà bình đổi bằng xương máu bao lớp cha anh nay đã giành về được, đó là khoảnh khắc cảm xúc không bút nào tả được cũng là chủ đề mà nghệ nhân gốm Bát Tràng đã gửi gắm tâm huyết của mình để tái hiện lại thời khắc huy hoàng ấy.
Với bàn tay tay cần mẫn, chất liệu mộc mạc của màu men lam phủ men tro cổ, bức tranh hiện lên chiếc xe tăng húc tung cổng dinh độc lập, là cờ giải phóng tung bay, bà con nô nức với cờ hoa đón mừng người chiến sỹ can trường tiến về thành phố, trên trời đôi bồ câu trắng tự do tung bay dù bầu trời còn vương khói bụi, Bắc Nam sum họp một nhà, mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh lại tươi đẹp rộn ràng, cũng là thông điệp mà người làm gốm gửi vào trong gốm.
Đón tiếp các đại biểu, bộ chỉ huy quân sự tham quan tác phẩm gốm
Hòa Thượng Viên Minh (Thầy Viên Minh) ghé thăm triển lãm Không Gian Gốm và Trà
Không Gian Gốm và Trà trong sự kiện