Chợ gốm Bát Tràng là một trong những khu chợ truyền thống nổi tiếng nhất tại làng cổ Bát Tràng. Đây là điểm đến không thể bỏ qua khi đến tham quan và du lịch tại làng gốm Bát Tràng.
Vị tríLàng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Giờ mở cửa
- Mùa hè: 7:30 – 17:30
- Mùa đông: 8:30 – 17:30
Sản phẩm chính
- Gốm sứ gia dụng
- Gốm sứ trang trí
- Đồ lưu niệm
Trải nghiệm
- Tham quan cửa hàng
- Trò chuyện với tiểu thương
- Tập làm gốm
Ẩm thực
- Khoai nướng cốt dừa
- Các loại bún: bún chả, bún mẹt, bún nem,…
- Thức uống: trà đá, nước mía, nước dừa
Mẹo mua sắm
- Kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi mua
- Mua sắm vào ngày thường để tránh đông đúc
- Yêu cầu hỗ trợ vận chuyển cho các sản phẩm lớn
Khu chợ được hình thành từ đầu năm 2004 để quảng bá sản phẩm gốm sứ của các hộ làm nghề trong làng. Đến nay, chợ đã phát triển với gần 200 quầy hàng, bày bán chủ yếu các sản phẩm gốm sứ gia dụng và gốm sứ trang trí, cùng nhiều mặt hàng lưu niệm, ẩm thực phục vụ khách tham quan.
Đến với chợ gốm du khách còn được trải nghiệm các hoạt động: mua sắm đồ gốm, giao lưu với tiểu thương, tập nặn gốm,… Bài viết cũng sẽ cung cấp những kinh nghiệm hữu ích giúp bạn mua sắm hiệu quả tại chợ gốm Bát Tràng.
Chợ gốm Bát Tràng nằm ở đâu, mở cửa mấy giờ?
Chợ gốm Bát Tràng nằm trong khu làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Chợ có diện tích khoảng 6000m³, được chia thành 5 khu vực chính: khu A nằm bên trái từ cổng vào, khu B bên phải, khu C và khu D ở phía trong và khu E nằm phía sau khu trưng bày đối diện cổng chợ.
Chợ mở cửa từ 7h30 sáng (mùa hè) và 8h30 (mùa đông). Đóng cửa vào khoảng 5h30 chiều. Vào mùa đông, thời gian đóng cửa có thể sớm hơn một chút.
Bản đồ Chợ Gốm Bát Tràng
Dưới đây là bản đồ của Chợ Gốm Bát Tràng, nơi nổi tiếng với các sản phẩm gốm sứ tuyệt đẹp. Bạn có thể sử dụng bản đồ này để tìm đường đến tham quan và mua sắm tại đây.
Bản đồ Google Maps của Chợ Gốm Bát Tràng
Chợ gốm hình thành và phát triển từ khi nào?
Chợ gốm Bát Tràng chính thức ra đời vào tháng 1 năm 2004, sau khi làng Bát Tràng tổ chức triển lãm gốm sứ chào mừng Sea Games 22. Ban đầu, chợ chỉ có 27 quầy hàng để phục vụ nhu cầu quảng bá sản phẩm gốm sứ của các hộ làm nghề trong làng.
Đến tháng 5 năm 2004, chợ mở rộng với thêm 52 quầy hàng và đến tháng 10 cùng năm, xây thêm 37 quầy hàng. Từ đây, chợ truyền thống Bát Tràng chính thức đi vào hoạt động, trở thành nơi trưng bày, mua bán các sản phẩm gốm sứ.
Sự ra đời của chợ gốm là một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của làng nghề, khi lần đầu tiên làng có một khu vực tập trung để giới thiệu các sản phẩm gốm sứ thủ công truyền thống.
Đến tháng 7 năm 2012, chợ phát triển với 174 quầy hàng. Cho đến hiện nay, làng có 57 công ty sản xuất và kinh doanh gốm sứ, hầu hết đều có quầy hàng trong chợ.
Những gia đình không có lò gốm thường làm đơn vị trung gian, mở quầy để lấy hàng từ các cơ sở sản xuất khác và bán tại chợ.
Nguồn: “Bát Tràng làng nghề, làng văn” của Nhà Xuất Bản Hà Nội
Chợ gốm Bát Tràng có những loại sản phẩm nào?
Phiên chợ gốm Bát Tràng bày bán hai loại sản phẩm chính là gốm sứ gia dụng và gốm sứ trang trí.
Gốm sứ gia dụng bao gồm các mặt hàng như cốc, chén, bát đĩa,… và gốm sứ trang trí gồm tranh gốm, lọ hoa, bình hút lộc,… thường được bán lẻ cho khách du lịch. Ngoài ra, các quầy hàng còn có mặt hàng bán buôn cho các đại lý hoặc doanh nghiệp.
Mỗi quầy hàng tại chợ bày bán các dòng sản phẩm đặc trưng khác nhau
Bên cạnh sản phẩm gốm sứ truyền thống, chợ còn bày bán nhiều mặt hàng kết hợp khác như hoa gỗ dùng trong đồ thờ, hoa lụa đi kèm lọ hoa, đũa gỗ, tinh dầu, nến,…
Nhìn chung, các mặt hàng gốm sứ đa dạng về chủng loại, tính năng và mục đích sử dụng, kiểu cách, mẫu mã; phần lớn hàng có giá trị thẩm mỹ cao được bày bán để giới thiệu với du khách.
Các sản phẩm này đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Phần lớn sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, đáp ứng thị hiếu của du khách và người tiêu dùng. Thông qua việc trưng bày và bán hàng tại chợ, các nhà sản xuất gốm Bát Tràng có thể nắm bắt xu hướng thị trường và nhu cầu khách hàng.
Xem thêm về các sản phẩm gốm sứ đặc trưng Bát Tràng phục vụ đời sống ngày nay.
Những trải nghiệm độc đáo tại chợ gốm Bát Tràng là gì?
Dưới đây là 1 số hoạt động thể hiện văn hóa độc đáo của người dân nơi đây mà du khách có cơ hội khám phá khi đến đây:
- Tham quan các cửa hàng: Nơi bày bán đủ loại sản phẩm gốm sứ đa dạng và tinh xảo. Khám phá từng gian hàng, bạn sẽ tìm thấy các sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp. Ngoài ra còn có các mặt hàng lưu niệm để mua về làm quà.
Tham quan và mua sắm các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng
- Trò chuyện với các tiểu thương: Phần lớn là phụ nữ am hiểu sâu sắc về nghề gốm. Họ luôn niềm nở, tôn trọng khách, đồng thời linh hoạt và duyên dáng trong nghệ thuật bán hàng, giúp tạo cảm giác “thuận mua vừa bán”.
- Tiếp xúc với văn hóa ứng xử của người Bát Tràng: Phương châm của chủ các quầy hàng là “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Nếu khách không may làm vỡ sản phẩm, các chủ hàng ứng xử rất nhẹ nhàng và lịch sự.
- Hỗ trợ đóng gói và vận chuyển: Khi mua sản phẩm có kích thước lớn, cồng kềnh, du khách có thể hoàn toàn yên tâm vì hàng hóa được đóng gói cẩn thận và hỗ trợ vận chuyển chu đáo.
- Dịch vụ tập làm thao tác nghề gốm: Du khách được tham gia trải nghiệm nhào nặn gốm, tự tạo ra các sản phẩm, được hướng dẫn bởi những người thợ gốm nhiều khi nghiệm.
Ngoài tham quan và mua sắm tại chợ gốm, du khách nên kết hợp thêm đi đến các điểm du lịch nổi tiếng tại Bát Tràng để có thêm nhiều kỉ niệm đáng nhớ.
Kinh nghiệm mua sắm tại chợ gốm Bát Tràng là gì?
Một số kinh nghiệm mua sắm tại phiên chợ:
- Về thời gian:
Thời điểm đông khách nhất là từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau do nhu cầu mua sắm cuối năm. Cuối tuần, chợ thường đông đúc, nhất là khi các đoàn khách du lịch đến tham quan và mua sắm. Nếu bạn muốn trải nghiệm chợ trong không gian yên tĩnh hơn, có thể ghé thăm vào những ngày trong tuần.
- Về giá cả:
Các sản phẩm tại chợ có mức giá khá hợp lý và các gian hàng sâu bên trong thường có nhiều lựa chọn hơn cùng giá tốt hơn so với các cửa hàng ngoài chợ. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra kỹ sản phẩm, đặc biệt là hàng giảm giá hoặc đồng giá, để tránh mua phải hàng lỗi.
Kiểm tra kỹ các sản phẩm giảm giá tại chợ để đảm bảo chất lượng
- Lưu ý khi tham quan chợ:
Chợ là không gian trưng bày sản phẩm gốm sứ rất nhiều, vì vậy cẩn thận khi đi lại để tránh va chạm làm rơi vỡ đồ.
Nếu bạn mua các sản phẩm lớn hoặc cồng kềnh, hãy yêu cầu cửa hàng hỗ trợ vận chuyển để tránh nguy cơ nứt vỡ trong quá trình di chuyển.
Bạn nên tham gia hoạt động nặn gốm ở chợ trước. Trong thời gian chờ sản phẩm gốm khô (khoảng 30 phút), bạn có thể thoải mái dạo chơi, mua sắm và thưởng thức ẩm thực tại chợ.
Chợ gốm Bát Tràng có những món ăn nào?
Bên cạnh bán các sản phẩm gốm sứ, chợ gốm còn bày bán các món ăn mà người dân Bát Tràng thường ăn như:
- Các loại bánh truyền thống: bánh tẻ, bánh nếp, bánh chưng,…
- Khoai nướng cốt dừa
- Các loại bún: bún chả, bún mẹt, bún nem,…
- Thức uống: trà đá, nước mía, nước dừa
- …
Các món ăn thường được bày bán trước và trong chợ gốm Bát Tràng
Ngoài ra, du khách tham khảo thêm ẩm thực Bát Tràng để trải nghiệm thêm nhiều món ăn ngon khi đến với làng gốm.