Lò nung gốm Bát Tràng – Đặc điểm, phân loại và so sánh

Trong bài viết “Lò nung gốm Bát Tràng – Đặc điểm, phân loại và so sánh”, Bát Tràng Việt Nam sẽ giới thiệu đến bạn đọc 5 loại lò nung gốm sứ được sử dụng tại làng gốm Bát Tràng qua nhiều thời kỳ gồm: Lò Ếch, Lò Đàn, Lò Bầu (Lò Rồng), Lò Hộp (Lò Đứng) và Lò Con Thoi (Lò gas).

Phân loại, đặc điểm và so sánh các loại lò nung gốm Bát Tràng
Phân loại, đặc điểm và so sánh các loại lò nung gốm Bát Tràng

Theo đó, để bạn đọc dễ hiểu hơn về các loại lò, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích, đưa ra các ưu, nhược điểm của từng lò. Từ đó tạo bảng tóm tắt đặc trưng riêng của lò nung Bát Tràng để bạn đọc có cái nhìn tổng quát và đẩy đủ nhất về lò nung Bát Tràng.

Lò nung Bát Tràng là gì?

Lò là cơ sở vật chất – kỹ thuật quan trọng nhất của nghề gốm. Ở Bát Tràng trước đây có nhiều loại hình lò với những đặc điểm, công dụng, ứng với việc sản xuất gốm ở mỗi giai đoạn lịch sử.

Sự phát triển từ lò nung gốm bằng củi đến lò nung bằng gas

Song có một công thức chung về kích thước, vận dụng tốt các nguyên tắc vật lý trong việc xây cất nên tạo ra kỹ thuật tối ưu so với các loại lò gốm cổ ở nước ta trước đây.

Lò nung gốm Bát Tràng có những đặc điểm gì?

Lò gốm ở Bát Tràng vận dụng nguyên lý “Hỏa thăng thượng” (lửa bốc lên) và “Hỏa sinh phong” (có lửa ắt sinh thành gió) để lửa được cháy đều và thông khói; song có một số điểm khác biệt:

  • Lò nung tuy có thể tích và diện tích lớn nhưng không chia ra thành nhiều ngăn nhỏ, nên nhiệt lửa lan tỏa đều, làm cho men chảy, sản phẩm chín đều.
  • Lò nung được cấu tạo để khi đun không phải cào bớt tro hay các phần xỉ ở than ra; mà cứ tra củi liên tục, lửa luôn cháy đều, tro bốc ra theo khói, không còn đọng lại trong lò.
  • Lò ở Bát Tràng không xây theo kiểu cuốn tò vò. Xung quanh 4 mặt xây 2 lớp vách lò, cao độ 3 – 4 mét, lớp vách trong xây bằng đất thó, vách ngoài xây gạch với vôi hồ như một bức tường thường.
  • Hai vách (ở hai mặt bên và mặt hậu) cách nhau 2 mét, bên trong đổ đầy đất. Riêng vách ở mặt tiền có khoảng cách ở hai bên rộng, rồi hẹp dần, đến gần giữa mặt tiền thì hai lần vách này sát liền vào nhau, tạo khoảng trống độ vài mét. Đây là cửa để người thợ vào và đồng thời cho củi vào lò.
Gốm sứ được nung bên trong lò bầu
Sản phẩm gốm sứ được nung bên trong lò bầu cổ

Khi đất đổ đầy và ngang bằng ngọn tường của hai vách lò, lấy đầm đầm kỹ cho chặt và phẳng mặt rồi lát gạch thoai thoải để khi trời mưa nước không bao giờ chảy vào trong cật lò, xuống cửa lò.

Phần có lát gạch chạy xung quanh này gọi là vét lò. Phía trên nóc gọi là cật lò, có dáng hình mui luyện, được đổ bằng thứ đất làm gạch, dày 35cm, rộng 12 mét, dài 40 mét.

Bậc lên lò khá cao, thường trên dưới 30 bậc, mỗi bậc rộng độ 35cm, dài gần 2 mét, cao bằng 2 thân gạch (tức chiều dày của hai viên gạch, khoảng 15cm) xây sát vào vách lò theo chiều từ hướng mặt tiền lò đi lên vét lò. Bậc xây này giúp cho việc đi đứng lên xuống rất thoải mái, người gồng sánh nặng từ dưới đi lên không bị chồn chân, mỏi gối.

Một lò gốm ở Bát Tràng có diện tích tối thiểu trên 1000m2 (gồm lò 500m?, cùng nơi xếp các đồ phơ, sản phẩm, củi đun, đá hộc, gạch chồng lồ…). Nền lò thường cao, để khi trời mưa to, nước không tràn vào lò, vào mùa mưa, nước không ngập.

Từ cửa lò đi vào phía sau lò, cách vách hậu độ 6 mét có một bức tường xây bằng gạch với đất thó, xây ngang để phía hậu có một ngăn riêng (ngăn này về sau xếp bát để nung), gọi là đậu lò, cao hơn vét lò và cật lò trên hai mét. Phía trên để hai lỗ tròn, đường kính độ một mét, gọi là lỗ đậu, tức là ống khói của lò (từ cật lò trở lên, đậu chỉ xây có một lần vách).

Bề ngang bên trong lòng của lò rộng khoảng 10 – 12 mét, bề sâu trên 40 mét. Cửa lò cao trên 40cm, vào phía trong thì cao trên 3 mét, riêng phần phía trong đậu lò cao 6 mét.

Trước đây chưa có kỹ thuật đổ trần bằng cốp pha, người Bát Tràng lấy gỗ bắc thành các cái giáng (đà) theo chiều dọc lò. Vì mái lò đổ hơi mui luyện nên cái giáng ở giữa hơi cao, hai bên hơi thấp.

Làm giáng xong, lấy tre (để cả cây) ken theo chiều ngang (vì tre có thể uốn cong được). Ken hết một lượt tre, phía trên đặt các phên nứa rồi đổ thứ đất làm gạch lên thành cật lò, dày đến 35cm.

Cật lò như một sân rộng; nếu cứ để thành một phiến liền như vậy, gặp xung đột nóng – nguội khi đun – dỡ lò, cật lò dễ bị nứt.

Để tránh hiện tượng này, khi đổ cật lò, tùy theo vị trí của các cột nống sẽ xây về sau, người Bát Tràng đã rạch sẵn cật lò thành nhiều ô, để khi khối đất đổ ở trên đã khô cứng (sau khi đã nện kỹ), tháo gờ dần dần giáng gỗ, các cây tre lát ngang, cùng các phên nứa ra và xây những cái cột nống đúng vào vị trí của 4 góc giáp nhau ở 4 ô cật lò, để chống đỡ cật lò. Tháo gỡ tới đâu, xây ngay tới đó.

Trong lòng lò có 19 cột nống, tính từ trong bức vách ngăn thành đậu lò trở ra phía cửa lò, có 4 hàng cột, mỗi hàng 4 cột, riêng hàng phía ngoài gần cửa lò chỉ có 3 cột.

Một lò gốm được kiến thiết theo trình tự các khâu: đổ nền, xây vách, lát vét lò, đổ cật lò, thân lò và đậu lò, làm cửa lò.

Cửa mặt tiền là cửa chính đi vào trong lò, bề ngang rộng độ 1,2 – 1,4 mét, cao quá đầu người, khi ra vào không chạm đầu. Cửa xây phía dưới theo lối cuốn tò vò. Cách mặt đất độ 60cm có để một cái khớp.

Khi chồng lò xong, lắp những viên gạch riêng thành một cầu ngang từ bên nọ sang bên kia. Cầu này dùng để gác một đầu thanh củi khi nung lò, để phía dưới có một khoảng trống cho lửa cháy đều.

Từ cửa lò vào đến 3 cây cột nống ở ngoài, nền hơi dốc, ngoài thấp trong cao độ 15 độ; còn từ đó vào đến trong bức vách ngăn thành “đậu lò” có nền phẳng. Ở các bức vách ngăn thân lò với đậu lò có hai cửa khám, rộng độ 80cm, cao 1,2 mét, nên đi từ ngoài lòng lò vào trong đậu lò, phải cúi.

Trong đậu lò, ở các vách phía trong, khi xây có để chìa ra các cái sớn (một kiểu xích đông bằng gạch), làm chỗ để các chồng bát lên khi chồng lò, nhằm tận dụng diện tích.

Cật lò tuy rộng lớn nhưng không làm cho trong lòng lò bị kín, tối. Lò khi chưa đun phải thoáng khí bên trong, khi đun cần có chỗ để cho củi từ trên cật vào trong lò. Vì thế, cật lò có để 6 hàng lỗ theo chiều ngang và 8 hàng theo chiều dọc (tổng cộng 48 lỗ), rộng độ vài chục centimét, gọi là lỗ dòi.

Phần đậu lò tức là phần ống khói của lò, trên có đổ cật và có hai lỗ đậu. Hai bên đầu hồi của đậu lò, cao độ ngang mặt người đứng trên vét lò còn có hai lỗ nhỏ, rộng độ 15cm, cao độ 25cm, gọi là lỗ tai tượng, để cho người nung lò có thể nhìn được tổng quát cả trong phần đậu lò khi đun lò.

Lò xây xong, còn phải xây nhà cương, là một nhà rộng và khá cao, ở sát ngang cửa lò, xây cất lối “thượng thự hạ hư”, tức có thể đỡ được mái nhà, càng ít cột càng tốt, vì nếu nhiều cột sẽ bị vướng khi di chuyển các vật liệu nặng. Nhà cương có tường hậu kín, mặt tiền có một cửa sát ngay cửa lò, phía trên cửa lò, từ vét lò trở lên đến mái nhà cương có một cửa cuốn tò vò khá cao và rộng.

Khi đun lò, một phần do cửa tò vò rộng, một phần vì nhà trống không có cửa ở phía bên lò, nên tạo thành một luồng gió hút thổi vào cửa lò, giúp cho lửa trong lò cháy đều và ổn định.

Với kiểu cấu tạo trên, lò gốm ở Bát Tràng đạt hiệu quả cao khi nung sản phẩm; dù lò đang ở nhiệt độ cao, người đi bên ngoài vẫn không cảm thấy nóng.

Có bao nhiêu loại lò nung Bát Tràng tính từ xưa đến nay?

Có 6 loại lò nung gốm sứ được sử dụng tại làng gốm Bát Tràng qua nhiều thời kỳ gồm: Lò Ếch, Lò Đàn, Lò Bầu (Lò Rồng), Lò Hộp (Lò Đứng), Lò Con Thoi (Lò gas) và Lò Điện.

6 loại lò nung tại Bát Tràng
6 loại lò nung được sử dụng tại làng gốm Bát Tràng
  • Lò ếch

Là loại lò gốm cổ nhất nước ta, có dáng như một con ếch nằm, dài khoảng 7 mét, bề ngang chỗ phình rộng nhất khoảng 3-4 mét, cửa lò rộng khoảng 1m20 và cao 1 mét. Đáy lò phẳng, nằm ngang.

Vòm lò chỗ cao nhất khoảng 2 – 2,70 mét. Bên hông có một cửa ngách rộng khoảng 1 mét, cao 1,20 mét để người thợ gốm chồng lò và dỡ sản phẩm. Phía sau của gáy lò có ba ống khói thẳng đứng cao khoảng 3 – 3,5 mét. Lò được dựng bằng gạch dân dụng (trừ vòm lò).

Lò ếch (lò cóc) cổ tại Bát Tràng
Lò ếch (lò cóc) cổ kích thước lớn dùng để nung gốm Bát Tràng

Mặt bên trong và sàn được gia cố bằng một lớp đất sét mầu hồng ở làng Vạn Lộc hoặc Đáp Cầu, dày khoảng 6 mét. Một bầu lò được chia ra 5 khu vực để xếp sản phẩm gọi là: hàng dàn, hàng gáy, hàng giữa, hàng chuột chạy và hàng mặt.

Đây là loại lò được cấu trúc nhằm tăng dần nhiệt độ bên trong, dung tích chứa sản phẩm và đặc biệt là hệ thống thông khói kết hợp với việc giữ nhiệt và điều hòa nhiệt trong lò.

Trong quá trình vận hành người thợ đã thấy nhược điểm của lớp đất gia cố và thay vào đó bằng lớp gạch mộc và vữa ghép bằng loại đất làm gạch. Phát hiện ngẫu nhiên này đã tạo ra những viên gạch Bát Tràng nổi tiếng.

  • Lò đàn

Lò xây dựng với những cấu kiện hoàn chỉnh và có tính năng giữ nhiệt cao. Bề rộng 4 mét, bầu lò sâu 9 mét, ngang 2,5 mét, cao 2,6 mét, thiết kể theo kiểu cuốn tò vò. Bên trong chia ra 10 bích bằng nhau, phân cách nhau bằng 2 nống (cốt). Cửa lò rộng 0,9 mét, cao 1,2 mét để người thợ vào chồng lò và dỡ lò được thuận tiện.

Mô hình lò đàn cổ Bát Tràng
Mô hình lò đàn cổ nung gốm Bát Tràng được mô phỏng lại

Gáy lò là những buồng thu khí qua ba cửa hẹp. Khói thoát ra từ bích đậu theo hai ống thu dần tới miệng. Hông lò kéo dài và ôm lấy buồng thu khói nhằm để giữ nhiệt cho lò khi nung.

Lớp vách trong ghép bằng gạch Bát Tràng, lớp vách ngoài xây bằng gạch dân dụng. Mặt dưới của cật lò gần như phẳng, còn mặt trên khum vòng lên tựa như con thuyền úp. Cật lò được tạo bằng hỗn hợp đất sét

Cổ Điển với gạch chín vỡ hoặc gốm vỡ nghiền nhỏ. Hai bên cật, từ bích 2 đến bích 9 ứng với khoảng giữa mỗi bích có 2 cửa nhỏ hình tròn đường kính khoảng 0,2 mét gọi là các lỗ dòi để ném nguyên liệu vào trong. Riêng bích đậu, lỗ dòi rộng hơn nửa mét. Nhiệt độ lò đàn có thể đạt được từ 1250 – 1300 độ.

  • Lò Bầu (Lò Rồng)

Loại lò bầu này được xây dựng vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XX. Lò có cấu tạo nhiều bầu, thường có 5-7 hay 10 bầu tùy theo nhu cầu.

Mô hình lò bầu Bát Tràng
Mô hình của lò nung gồm 5-7 lò bầu bên trong

Bầu có vòm cuốn liên tiếp vuông góc với trục tiêu, trông như năm, bảy mảnh vỏ sò úp với nhau. Vòm cuốn lò dùng loại gạch chịu lửa. Độ nghiêng của trục lò so với phương nằm ngang từ 12- 15 độ. Lò bầu có thể tích khoảng 50-70m3. Nhiệt độ của lò có thể đạt 1300°C.

nghe-lam-gom-bat-trang-xua-va-nay-20
Di tích lò bầu cổ với thiết kế nhiều bầu hình vòm cuốn

Ưu điểm nổi trội của lò bầu là có thể điều khiển chế độ nhiệt thích hợp theo yêu cầu của quá trình biến đổi hóa lý phức tạp và cho phép nung được những sản phẩm lớn, có chất lượng cao.

  • Lò Hộp (Lò Đứng)

Xuất hiện vào khoảng năm 1975, lò được xây bằng gạch chịu lửa, cao khoảng 5 mét, rộng 0,9 mét. Kết cấu lò đơn giản, dáng hình hộp, đứng nên gọi là lò hộp hay lò đứng.

Lò đứng cổ Bát Tràng
Mô hình mô phỏng chi tiết về lò hộp nung gốm tại Bát Tràng

Lò có hai cửa ở hat đầu, chiếm ít diện tích và chi phí thấp, thích hợp cho các gia đình sản xuất nhỏ. Nhiệt độ trung bình có thể đạt đến 1250°C.

  • Lò Con Thoi (Lò gas)

Gần đây, tại Bát Tràng đã xuất hiện các loại lò hiện đại như lò con thoi hoặc lò tuynel, sử dụng nhiên liệu khí đốt hoặc dầu. đáp ứng cuộc chuyển đổi xanh và góp phần bảo vệ môi trường sống hướng tới netzero

Hệ thống lò gas được sử dụng tại các xưởng sản xuất gốm Bát Tràng

Trong quá trình nung, nhiệt độ được theo dõi bằng hỏa kế và việc điều chỉnh nhiệt độ, thực chất là việc tăng giảm nhiên liệu, được thực hiện bán tự động hoặc tự động. Điều này giúp cho việc vận hành lò trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều.

Ấm chén Bát Tràng đưa vào lò nung
Lò gas dễ dàng vận hành, đảm bảo sự ổn định của nhiệt độ và thời gian nung
  • Lò Điện

Hiện nay, các nhà xưởng tại Bát Tràng còn sử dụng lò điện hiện đại trong quá trình nung gốm , nung decal trong quá trình in lên đồ gốm gia dụng . Lò điện sử dụng bức xạ nhiệt, vì thế không mất quá nhiều diện tích như lò gas.

Lò điện nung gốm
Lò điện nung gốm không chiếm nhiều diện tích để chứa hệ thống bình gas

Thợ gốm dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ và thời gian nung từ bảng điều chỉnh bên ngoài, giúp sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Bảng điều khiển lò điện
Bảng điều khiển nhiệt độ và thời gian nung của lò điện

Bảng tóm tắt các loại lò và đặc trưng riêng của từng loại lò Bát Tràng.

Loại lò Nguyên liệu Nhiên liệu Kỹ thuật chế tác Sản phẩm Thời gian ra đời
Lò ếch Đất ở 72 gò Bạch Thổ Cỏ, rơm, rạ, củi Vuốt tay Gạch, bát đĩa Khoảng thế kỷ XVII
Lò đàn Đất Vạn Lộc, Cổ Điển Củi Vuốt tay trên bàn xoay Gạch, bát đĩa Thế kỷ XVIII
Lò bầu (Lò rồng) Đất Tử Lạc, Bích Nhôi, Trúc Thôn Củi Vuốt tay trên bàn xoay Bát đĩa Đầu thế kỷ XX
Lò hộp (Lò đứng) Xây bằng gạch chịu lửa Than, củi Vuốt tay trên bàn xoay ,đa dạng Bát đĩa, bình, lọ Cuối thế kỷ XX
Lò con thoi (Lò gas) Gạch chịu lửa và vỏ thép chịu nhiệt Khí đốt hoặc dầu Vuốt tay, đổ rót ,đa dạng Bát đĩa, ly sứ, bình hiện đại
Lò điện Gạch chịu lửa và vỏ thép chịu nhiệt Điện Vuốt tay, đổ rót, đa dạng Bát đĩa, ly sứ, lọ hoa,… hiện đại

Trích: “Bát Tràng làng nghề, làng văn” của Nhà Xuất Bản Hà Nội

Bên cạnh các loại lò thì nhà xưởng và không gian sản xuất của làng Bát Tràng cũng là một điều thú vị mà du khách muốn tìm hiểu khi đến với làng nghề Bát Tràng.

Mỗi lò gốm đều gắn với không gian sản xuất gồm: nhà xưởng và không gian ngoài nhà xưởng. Đây chính là nơi trực tiếp chế tác, cho ra những sản phẩm Bát Tràng sử dụng trong đời sống hằng ngày cũng như những sản phẩm mang tính văn hóa, nghệ thuật cao. Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này ở bài viết sau nhé!

Để lại một bình luận