Các kỹ thuật chế tác gốm sứ Bát Tràng: Chế tạo gốm thô, pha chế men, trang trí hoa văn và nung

Gốm sứ Bát Tràng được trải qua quy trình với các kỹ thuật chế tác gốm sứ độc đáo. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá các kỹ thuật trong quy trình chế tạo gốm thô từ việc xử lý đất, tạo dáng sản phẩm, phơi sấy khô đến sửa hàng mộc. 

Ngoài ra, bài viết cũng sẽ giới thiệu về các kỹ thuật chế tạo men, trang trí họa tiết, tráng men, nung sản phẩm,… đang được áp dụng tại các xưởng sản xuất gốm sứ.

Kỹ thuật chế tác gốm thô, pha chế men, trang trí hoa văn, nung sản phẩm
Các kỹ thuật chế tác gốm sứ Bát Tràng tại Bát Tràng

Đặc biệt, Bát Tràng Việt Nam sẽ so sánh sự khác biệt giữa các phương pháp chế tác gốm sứ Bát Tràng truyền thống với những kỹ thuật hiện đại ngày nay để bạn đọc có cái nhìn tổng quan về sự phát triển và đổi mới trong quy trình chế tác.

Các kỹ thuật cơ bản nào được sử dụng để chế tạo gốm thô?

Chế tạo gốm thô là bước nền tảng quan trọng trong quá trình sản xuất gốm sứ Bát Tràng. Dưới đây là các kỹ thuật cơ bản được sử dụng để chế tạo gốm thô:

Kỹ thuật chế tạo gốm thô
4 kỹ thuật chế tạo gốm thô tại Bát Tràng

Xử lý và pha chế đất

Việc xử lý đất là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quy trình làm gốm. Bởi trong đất chứa nhiều tạp chất, nếu không xử lý cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Tại Bát Tràng, hiện có 2 phương pháp pha chế đất chính là:

Phương pháp pha chế đất
2 phương pháp pha chế đất làm gốm sứ Bát Tràng phổ biến
  • Chế đất làm hàng: Đây là phương pháp truyền thống, đất sét được ngâm trong hệ thống 4 bể gồm: bể đánh, bể lắng, bể phơi và bể ủ, giúp loại bỏ hoàn toàn tạp chất, đảm bảo chất lượng đất tốt nhất.
  • Chế đất làm bao hàng: Đất được trộn đều với bột gạch nghiền nhỏ theo tỷ lệ nhất định, sau đó sử dụng hỗn hợp này để in bao hoặc làm gạch ghép ruột lò. 

Tạo dáng sản phẩm

Kỹ thuật tạo dáng quyết định hình thức và vẻ đẹp của sản phẩm gốm. Người thợ gốm Bát Tràng sử dụng cả phương pháp truyền thống và hiện đại để tạo dáng cho sản phẩm:

Kỹ thuật tạo hình gốm sứ Bát Tràng
3 kỹ thuật tạo hình sản phẩm gốm sứ áp dụng tại Bát Tràng
  • Vuốt tay trên bàn xoay: Đây là phương pháp truyền thống, thợ gốm dùng tay vuốt đất trên bàn xoay để tạo hình sản phẩm. Phương pháp này đòi hỏi kỹ năng cao và sự tỉ mỉ của người thợ.
  • Đổ rót vào khuôn: Đất sét loãng được đổ vào khuôn có sẵn hình dáng (thường là khuôn thạch cao). Phương pháp này giúp tạo hình nhanh chóng, đồng đều về chất lượng.
  • In khuôn: Đất sét được ném mạnh vào giữa lòng khuôn thạch cao để tạo hình sản phẩm. Phương pháp này tạo ra sản phẩm nhanh chóng, đồng đều, tạo được hoa văn, họa tiết ngay trên khuôn.

Phơi sấy khô 

Sau khi tạo dáng, sản phẩm gốm cần được hong khô để chuẩn bị cho các công đoạn tiếp theo. Tại Bát Tràng, sản phẩm thường được đặt lên giá phơi ở nơi thoáng mát có độ ẩm cao để đảm bảo khô đều mà không bị nứt hay biến dạng.

Sản phẩm được đặt lên giá để phơi khô sau khi tạo hình

Sửa hàng mộc

Khi sản phẩm đã phơi khô, các thợ gốm sẽ tiến hành chỉnh sửa lại các chi tiết để sản phẩm đạt độ hoàn thiện cao nhất. Quá trình này bao gồm các thao tác:

Phương pháp sửa hàng mộc
Các kỹ thuật sửa hàng mộc sau khi tạo hình sản phẩm
  • Dồi: Đặt sản phẩm lên bàn xoay để chỉnh dáng cho tròn và cân đối.
  • Sửa: Cắt, gọt các phần thừa, bổ sung những phần khuyết và nối các bộ phận (vòi ấm, quai tách,…). Đồng thời, tỉa lại hoa văn và chuốt nước lại bề mặt sản phẩm nhẵn mịn.
  • Tiện: Tạo eo cho sản phẩm và dùng sợ mây giang áp vào thành để mặt sản phẩm chắc, nhẵn và bóng.

Kỹ thuật chế tạo men, trang trí hoa văn, tráng men và sửa hàng men

Sau đây là những kỹ thuật chế tạo men, trang trí hoa văn, tráng men và sửa hàng được sử dụng là các xưởng gốm tại Bát Tràng:

Các kỹ thuật pha men, trang trí, tráng men, nung
4 kỹ thuật pha chế men, trang trí hoa văn, tráng men và sửa hàng men

Chế tạo men

Chế tạo men là bí quyết của nghề làm gốm sứ Bát Tràng. Người thợ gốm phải nắm vững công thức pha chế theo tỷ lệ chính xác để tạo ra màu men như ý. 

Pha chế men tráng lên gốm sứ
Thợ gốm pha chế men theo chuẩn tỉ lệ

Tùy vào từng nhà sản xuất tại Bát Tràng sẽ chế tạo men theo bí quyết riêng. Ngoài ra, ngày này có nhà lò có thể mua men từ các công ty chế biến men sẵn bằng bột đá và oxit hòa theo tỷ lệ.

Dưới đây là 6 dòng men truyền thống thường dùng trên các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng:

6 dòng men truyền thống Bát Tràng
6 dòng men truyền thống chế tác trên gốm sứ Bát Tràng

Trang trí hoa văn 

Tùy vào yêu cầu của từng sản phẩm, các nhà xưởng Bát Tràng trang trí hoa văn bằng các kỹ thuật sau:

7 kỹ thuật chế tác họa tiết trang trí trên gốm sứ phổ biến nhất
7 kỹ thuật trang trí họa tiết lên gốm sứ Bát Tràng
  • Vẽ tay: Thợ gốm sử dụng bút lông vẽ các họa tiết trực tiếp lên bề mặt gốm bằng men lam hoặc men màu.
  • Khắc chìm: Dùng dụng cụ để khắc những đường nét sâu vào bề mặt gốm, tạo hiệu ứng hoa văn chìm độc đáo.
  • Đắp nổi: Đắp đất lên một số vùng trên sản phẩm và cắt tỉa để tạo hình họa tiết.
  • Bôi men chảy: Men được dùng để trang trí viền miệng sản phẩm. Khi nung, men sẽ chảy xuống tạo hiệu ứng đẹp mắt.
  • Đánh chỉ: Vẽ các đường chỉ xung quanh miệng, thân hoặc chân sản phẩm bằng men màu hoặc vàng kim để tạo điểm nhấn.
  • Dát vàng: Kỹ thuật dát vàng 24K lên các chi tiết đắp nổi, tạo nên vẻ sang trọng và quý phái.
  • In màu: Sử dụng decal để in họa tiết lên bề mặt sản phẩm sau khi đã hoàn thiện.

Cùng với các kỹ thuật trang trí hoa văn, tìm hiểu thêm về các họa tiết đặc trưng trên gốm sứ Bát Tràng.

Tráng men

Tráng men là công đoạn phủ men lên toàn bộ sản phẩm mộc đã hoàn chỉnh. Tùy vào từng sản phẩm, thợ gốm sẽ áp dụng 1 trong 6 hình thức tráng men sau:

6 kỹ thuật tráng men lên gốm sứ
6 cách tráng men lên sản phẩm gốm sứ Bát Tràng
  • Phun men: Dùng súng phun để phủ một lớp men mỏng và đều lên sản phẩm.
  • Nhúng men: Nhúng sản phẩm vào dung dịch men, phù hợp với các sản phẩm nhỏ.
  • Láng men: Dùng cọ quét thủ công lớp men lên sản phẩm.
  • Kìm men: Nhúng sản phẩm vào trong men và xoay nhẹ để men được dàn đều trên bề mặt.
  • Dội men: Dội men trực tiếp lên toàn bộ sản phẩm có kích thước lớn như lộc bình, chum, chậu,…
  • Đúc men: Đổ dung dịch men vào khuôn chứa sản phẩm.

Sửa hàng men

Sửa hàng men là bước kiểm tra và chỉnh sửa sản phẩm trước khi đưa vào lò nung. Kỹ thuật sửa hàng men bao gồm:

  • Bôi men: Quét thêm men vào các vị trí còn khuyết.
  • Cắt dò: Cạo men thừa ở chân sản phẩm hoặc ở phần mép chân để tạo độ sắc nét.
  • Ve lòng: Đặt sản phẩm lên bàn xoay và sử dụng dụng cụ để cà vào lòng sản phẩm, tạo men tại những vị trí cần thiết.
Tráng men sản phẩm
Gốm sứ sau khi tráng men sẽ được sửa chữa kỹ lưỡng trước khi nung

Kỹ thuật nung lò gốm sứ Bát Tràng được thực hiện như thế nào?

Nung sản phẩm tại Bát Tràng sử dụng 2 kỹ thuật chính là chồng lò và đốt lò.

Kỹ thuật nung gốm sứ
Chồng lò và đốt lò là 2 kỹ thuật nung gốm sứ

Chồng lò

Ngày nay, các xưởng sản xuất gốm sứ Bát Tràng chủ yếu sử dụng lò gas hoặc lò điện để nung sản phẩm, giúp tiết kiệm sức lao động và tăng hiệu quả. Quá trình chồng lò (sắp xếp sản phẩm vào lò nung) chỉ cần 2-3 người thợ thay vì cần cả đội lớn như trước đây.

Thợ xếp sản phẩm vào lò nung 

Sản phẩm trước khi nung sẽ được phân loại và sắp xếp cẩn thận theo kích thước, đảm bảo chúng được đặt thẳng hàng, gọn gàng và tối ưu diện tích trong lò. Sau khi hoàn thành việc xếp, người thợ sẽ dùng bánh xe để đẩy toàn bộ sản phẩm vào lò nung một cách dễ dàng.

Đốt lò

Trước kia, các lò nung truyền thống sử dụng củi hoặc than để đốt, đòi hỏi người thợ phải thức thâu đêm canh lửa và điều chỉnh nhiệt độ bằng tay. Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại, lò gas và lò điện tại các xưởng Bát Tràng ngày nay được trang bị thiết bị hỏa kế giúp dễ dàng kiểm soát nhiệt độ chính xác bên ngoài.

dong-san-pham-dac-trung-cua-bat-trang-40
Sản phẩm được nung bằng lò gas, điều chỉnh nhiệt độ bên ngoài

Tìm hiểu thêm về các loại lò nung gốm sứ được sử dụng sản xuất gốm sứ Bát Tràng từ trước đến nay.

Sự khác biệt giữa các kỹ thuật chế tác gốm sứ Bát Tràng truyền thống và hiện đại là gì?

Dưới đây là bảng so sánh các kỹ thuật chế tác gốm sứ Bát Tràng truyền thống và hiện đại:

Các kỹ thuật chế tác Kỹ thuật chế tác truyền thống Kỹ thuật chế tác hiện đại
Xử lý và pha chế đất Xử lý bằng bể chứa truyền thống Nhiều xưởng không tự làm mà mua đất pha chế sẵn
Tạo dáng sản phẩm Chủ yếu tạo hình thủ công trên bàn xoay Áp dụng cả 3 phương pháp vuốt tay, đổ rót, in khuôn
Phơi sấy khô Phơi khô ngoài trời Nếu trời quá ẩm, đưa sản phẩm vào lò sấy bằng than tổ ong
Chế tạo men Tự pha men theo bí quyết riêng của từng nhà lò Men có thể tự làm hoặc mua men chế biến sẵn của công ty
Trang trí Chủ yếu là trang trí thủ công, vẽ, khắc họa tiết Áp dụng nhiều kỹ thuật trang trí: vẽ tay, đắp nổi, in decal,…
Nung  Nung bằng lò bầu, lò đàn, lò củi,… thợ gốm phải thức canh lò  Nung bằng lò gas, lò điện dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ

Ngoài ra, tìm hiểu thêm về sự khác nhau của nghề gốm Bát Tràng xưa và nay để hiểu hơn những sự cải tiến trong các bước chế tác gốm sứ.

Quy trình sản xuất gốm sứ tại Bát Tràng diễn ra như thế nào?

Tại làng gốm Bát Tràng, mỗi nhà lò sẽ có những quy trình sản xuất sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên tất cả các bước đều áp dụng những kỹ thuật chế tác gốm sứ đặc trưng.

Dưới đây là quy trình sản xuất gốm sứ cơ bản được ứng dụng ở hầu hết các xưởng sản xuất Bát Tràng:

Quy trình sản xuất gốm Bát Tràng
Quy trình sản xuất gốm Bát Tràng

 

  • Bước 1: Chọn đất và lọc đất
  • Bước 2: Tạo hình sản phẩm
  • Bước 3: Sơ nung
  • Bước 4: Sửa hàng phơ (chuốt lại sản phẩm)
  • Bước 5: Tráng men
  • Bước 6: Trang trí sản phẩm
  • Bước 7: Nung
  • Bước 8: Lọc hàng (kiểm tra chất lượng)

Tham khảo: Bát Tràng Làng Nghề Làng Văn – Nhà xuất bản Hà Nội